Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Luật sư Trần Đình Triển “vì dân” hay “vì tiền”?

Theo văn bản của UBND huyện Ứng Hòa gửi Báo Người cao tuổi, Sở Tư pháp Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, phản ánh: Đơn của dân nói một đằng, văn bản của luật sư (LS) Trần Đình Triển nói một nẻo, trắng trợn “bịa đặt, vu khống, kích động, tung hỏa mù nhằm hạ uy tín, danh dự của cán bộ, đảng viên ở địa phương, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Đảng với dân…”. Vì thế, LS Trần Đình Triển đã bị cả hội nghị Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ huyện và cán bộ, đảng viên “vạch mặt”, đề nghị xử lí theo quy định của pháp luật…

Năm 2012, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 15/2/2012 về việc giao cho UBND huyện Ứng Hòa chỉ đạo các phòng, ban của huyện phối hợp với doanh nghiệp tổ chức di dời, giải tỏa các hộ kinh doanh khu vực Chợ Cầu (vì Chợ Cầu không được nằm trong quy hoạch của huyện và TP Hà Nội; lều quán xây dựng quá lâu đã cũ nát, không bảo đảm vệ sinh, an toàn, PCCC) cần di chuyển về Trung tâm Thương mại (chợ mới được xây dựng to, đẹp, bảo đảm vệ sinh) để kinh doanh, sinh hoạt. Nhưng vì địa điểm họp chợ cũ (Chợ Cầu) vốn là địa chỉ quen thuộc của các hộ kinh doanh; cộng với việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục chưa tốt, còn nặng về hành chính nên 188 hộ tiểu thương tại Chợ Cầu không đồng ý di chuyển, làm đơn gửi đến các cấp chính quyền, đồng thời họ rủ nhau thuê LS Trần Đình Triển bảo vệ quyền lợi cho họ.

Theo nội dung khiếu nại của 188 hộ kinh doanh tại Chợ Cầu, tóm tắt như sau: Đề nghị huyện không nên chuyển chợ cũ đi nơi khác, mà xây chợ mới trên nền Chợ Cầu cũ vì chợ cũ là địa chỉ quen thuộc, đông dân cư sinh sống, thuận lợi trong việc đi lại. Còn việc chuyển chợ ra khu Trung tâm Thương mại (chợ mới) thì xa đường quốc lộ, thưa dân cư, gần nghĩa trang, diện tích kinh doanh nhỏ hẹp, giá thuê ki-ốt cao, chợ lại do công ty tư nhân quản lí nên phần lớn các hộ kinh doanh không đồng ý.

Sau khi LS Triển nhận làm làm dịch vụ pháp lí cho 188 hộ dân kinh doanh tại Chợ Cầu, ông Triển về địa phương thị sát rồi kí Văn bản số 42/VPLSVD: “Về việc giải quyết gấp khiếu nại và phản ứng mạnh mẽ của gần 200 hộ kinh doanh tại chợ Vân Đình – Ứng Hòa” gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố và Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết.

Nhận được văn bản của Văn phòng Luật sư (VPLS) Vì Dân, UBND thành phố Hà Nội có công văn chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Ứng Hòa giải quyết kiến nghị của các hộ kinh doanh tại Chợ Cầu. Ngày 28/12/2012, UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội nghị để xem xét, giải quyết những kiến nghị của VPLS Vì Dân, với sự tham gia của gần 50 đại biểu đại diện các phòng, ban, ngành huyện Ứng Hòa và TP Hà Nội, một số vị đại diện cho 188 hộ dân, LS Trần Đình Triển và nhiều cơ quan báo chí tham dự.


Nhiều tài liệu phản đối LS Trần Đình Triển.

Theo chương trình, ông Lê Đình Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo nội dung vụ việc vừa dứt lời, LS Trần Đình Triển đứng phắt lên vung tay, “nổ” liên hồi làm cho không khí hội trường nóng lên. Sau ý kiến của LS Triển, ông Lê Văn Soái, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện phát biểu: “Căn cứ đơn của 188 hộ dân, chỉ kiến nghị về việc không chuyển chợ, chứ không có các nội dung như trong văn bản của VPLS Vì Dân. VPLS Vì Dân đã “khai thác” thư nặc danh, đã đi quá xa, đi lạc hoàn toàn nội dung đơn thư của nhân dân là không đúng, là vi phạm các quy định của pháp luật…”. Tiếp theo, ông Đặng Tiến Thơ, Trưởng phòng QLĐT huyện có ý kiến: “Thứ nhất, tôi đề nghị LS Triển cần phải đọc kĩ hồ sơ, tìm hiểu, xác minh kĩ vụ việc rồi hãy phát ngôn, không nên dùng “kiểu” tung hỏa mù, gây hoang mang, làm mất lòng tin của nhân dân với chính quyền, cụ thể như: Nêu “có bia đặt tại đó” rồi coi đây là chợ truyền thống hay có tính lịch sử… Thực tế, bia căm thù được đặt tại dốc Bệnh viện chứ không phải ở khu chợ như LS Triển nêu. Thứ hai, tại Văn bản 42, LS Triển nêu: …”diện tích, vị trí Chợ Cầu là hoàn toàn đáp ứng thực tại, không ảnh hưởng đến môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy”… Tôi xin nêu: Căn cứ các Nghị định 203, 172, 186 thì Chợ Cầu hoạt động là vi phạm hành lang giao thông (vì đường được quy hoạch rộng 24m), Chợ Cầu phải chuyển, vì không nằm trong quy hoạch của thành phố phê duyệt…”. Tiếp đến, ông Lê Tiến Lợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Vân Đình phê phán: … “Việc LS Triển nhận tư vấn cho bà con chợ Vân Đình về việc di chuyển chợ, thế nhưng LS Triển lại lợi dụng đơn thư (nặc danh) của người dân để tung hỏa mù, dẫn dắt bà con vào những việc khác, để bà con hiểu nhầm về Đảng, Nhà nước; Nhà nước hiểu nhầm bà con, như vậy thì sao lại gọi là “tư vấn pháp luật” được? Cụ thể là: Tại văn bản của VPLS gửi các đồng chí lãnh đạo thành phố, có đoạn nêu: … “Bức thư nặc danh nêu nhiều bằng chứng xác thực về dấu hiệu tư lợi, tham nhũng của ông Trịnh Đình Mẫn (Chủ tịch UBND thị trấn) vượt quyền để thu hồi đất, giao đất nhưng sử dụng không đúng mục đích”, hay “Ông Trịnh Đình Mẫn không chịu hợp tác, không có văn hóa”. Theo tôi, LS Triển đã lạm dụng danh nghĩa “Vì dân” để bịa đặt, vu khống, xúc phạm trắng trợn người khác là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự, việc này cần phải được làm rõ… Là luật sư, ông Triển có được phép nêu đơn nặc danh với những thông tin bịa đặt, vu khống, rồi xúc phạm, lăng mạ cán bộ, đảng viên, chính quyền và công dân như thế không? Là luật sư hay VPLS hành nghề phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Luật Luật sư… phải thực hiện đúng, nghiêm quy tắc, đạo đức nghề nghiệp được quy định tại Luật Luật sư; đồng thời phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ pháp chế XHCN, chứ không thể lợi dụng VPLS Vì Dân để rồi hoạt động ngoài vòng pháp luật”.

Còn nhiều ý kiến khác nữa, tựu trung đều tập trung “tập huấn” và dạy cho LS Triển về đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện tư vấn pháp lí. Sau tất cả những ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị, LS Triển – ngồi im rồi lén lút lỉnh về. Toàn bộ nội dung sự việc tại hội nghị đã được Báo Người cao tuổi phản ánh trung thực tại số báo 03 (1164) ngày 5/1/2013.

Ngay sau hội nghị, UBND huyện Ứng Hòa có Công văn số 16/UBND, ngày 17/1/2013 về việc đề nghị xử lí đối với LS Trần Đình Triển, gửi Đoàn LS thành phố, Sở Tư pháp Hà Nội, nhưng không hiểu lí do gì, LS Trần Đình Triển và VPLS Vì Dân vẫn không bị xử lí?

Theo dư luận nhân dân huyện Ứng Hòa (cuối năm 2012, đầu năm 2013) LS Trần Đình Triển thu tiền của hàng trăm hộ kinh doanh Chợ Cầu (mỗi hộ ít nhất 1 triệu đồng) mà không có phiếu thu hay giấy biên nhận. Xin hỏi ông Trần Đình Triển hành nghề luật sư “vì tiền” hay “vì dân”?

Hoài Thu – Minh Phương


0 nhận xét:

Đăng nhận xét