Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Không ai phủ nhận, mặt tích cực của các chương trình dành cho trẻ em là tạo ra sân chơi cho các em, đồng thời qua đó tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng nhí. Song, với những gì đã và đang diễn ra từ các chương trình, người ta cũng đặt câu hỏi "Có khi nào mục đích tạo sân chơi và tìm kiếm tài năng chỉ là cái cớ, và trẻ em đang là đối tượng để người lớn trục lợi kiếm tiền?".

Khi các chương trình truyền hình thực tế và game show dành cho người lớn rơi vào cảnh ế ẩm và bão hòa, thì những chương trình với phiên bản dành cho con nít lại là miếng bánh màu mỡ để các đơn vị sản xuất chương trình và nhà đài bắt tay khai thác và kiếm tiền.

Không ai phủ nhận, mặt tích cực của các chương trình này là tạo ra sân chơi cho các em, đồng thời qua đó tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng nhí. Song, với những gì đã và đang diễn ra từ các chương trình, người ta cũng đặt câu hỏi "Có khi nào mục đích tạo sân chơi và tìm kiếm tài năng chỉ là cái cớ, và trẻ em đang là đối tượng để người lớn trục lợi kiếm tiền?".

Vì sao chương trình dành cho trẻ em hút khách?

Trong khi phiên bản dành cho người lớn rơi vào cảnh ngày càng ế ẩm và kém hấp dẫn vì cạn kiệt ý tưởng lẫn chiêu trò, thì những chương trình truyền hình thực tế và game show dành cho trẻ em như The voice kids nhí, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam's Got Talent… lại hứa hẹn sự bùng nổ và thu hút được nhiều sự quan tâm của cả trẻ em lẫn người lớn. Một trong những lý do khiến cho chương trình dành cho trẻ em ngày càng được chú ý và giành được nhiều tình cảm của khán giả, đó chính là sự hồn nhiên, trong sáng và tài năng không thể phủ nhận của các em. Thêm nữa, trẻ em luôn là đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội, tìm kiếm và phát triển tài năng cho các em là mong muốn không chỉ riêng gia đình mà còn là trách nhiệm của quốc gia.


Nước mắt thí sinh biến thành chiêu trò của nhà sản xuất.

Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu này, các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình ngay lập tức chớp thời cơ, chuyển hướng sang "đầu tư" vào đối tượng nhí. Tất nhiên, mục đích được tung hô dưới chiêu bài tạo ra sân chơi cho các em, đồng thời tìm kiếm và phát hiện tài năng nghệ thuật cho tương lai của đất nước. Ở khía cạnh tích cực, những chương trình này đúng là góp phần tạo ra sân chơi cho các em, khi mà môi trường và khoảng không vui chơi, giải trí của chúng đang ngày càng bị thu hẹp. Khoảng cách về đời sống của trẻ em đô thị và nông thôn ngày càng bỏ nhau khá xa, thì nhờ sân chơi này chúng được xích lại gần nhau, xóa đi khoảng cách giữa giàu và nghèo, văn minh và lạc hậu. Và cũng thông qua những chương trình, tài năng của các em được phát hiện và đào tạo, bất kể chúng ở thành thị hay nông thôn.

Có hay không con dao hai lưỡi?

Tạo ra sân chơi lành mạnh cho con trẻ là điều mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh khi đến với chương trình, song tạo ra rating, tăng thời lượng và biểu giá quảng cáo, thu hồi vốn và có lãi lại là bài toán kinh doanh của nhà sản xuất. Nếu đơn vị tổ chức bị mục đích này chi phối, thì thử hỏi ai là người chịu tác động trực tiếp ngoài các em, đối tượng chính của chương trình. Bằng chứng, "Giọng hát Việt nhí 2013" từng gây xôn xao dư luận khi xuất hiện những đoạn nhật ký vạch rõ những mảng tối phía hậu trường của một bậc phụ huynh. Hay sau mỗi một chương trình, lại có những mảng tối được lộ ra khiến nhiều người ngỡ ngàng rồi thất vọng. Có không ít bậc làm cha, làm mẹ, chỉ vì thương con mà ngậm đắng nuốt cay theo thế "đâm lao phải theo lao", vì những ràng buộc hợp đồng đã thỏa thuận với đơn vị tổ chức trước đó mà đành ngậm bồ hòn làm ngọt.


Thí sinh với bài hát về biển đảo của đội Lam Trường.

Những lầm tưởng về việc đưa con đến với cuộc thi sẽ thoải mái thể hiện tài năng, sở trường hay thế mạnh, thì luật chơi với những quy định khắt khe vô hình trung tạo ra tâm lý "đấu đá" để giành phần thắng. Các em phải tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn và chỉ bảo từ các HLV. The voice kids hiện là chương trình tạo được rất nhiều sự quan tâm của công chúng, không chỉ trẻ em yêu thích mà ngay cả người lớn cũng dành nhiều tình cảm cho chương trình này. Không ai phủ nhận giọng hát của các em rất hay, song điều bất thường lại rơi và bài hát mà HLV và các em lựa chọn để biểu diễn. Hầu hết là những bài hát của người lớn, đòi hỏi sự chiêm nghiệm cũng như từng trải ở người trưởng thành, đã khiến các em phải gồng mình thể hiện, điều này làm mất đi sự hồn nhiên và trong sáng vốn có của con trẻ.

Chưa hết, cách chiêu dụ và lôi kéo chúng về đội của mình cũng được các HLV thể hiện bằng những lời hứa hẹn đường mật, vô tình tạo ra tâm lý trông đợi và hi vọng quá lớn ở chúng. Ngoài ra, để tạo kịch tính cũng như sự chú ý của dư luận, kịch bản đã được những người sản xuất dựng trên những tình huống lâm ly bi đát, nếu không muốn nói là quá sự thật, xoáy sâu vào hoàn cảnh của các em để đánh vào lòng thương cảm của người xem. Việc học hành của trẻ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thời gian luyện tập và ghi hình kéo dài và dày đặc. Lịch phát sóng của "Giọng hát Việt nhí" năm nay sẽ kéo dài đến cuối tháng 10/2014, thời điểm các em đã nhập học hơn một tháng. Trong đó, chỉ có vòng "Giấu mặt" đã được ghi hình và phát sóng vào tháng 6, các vòng thi sau, thí sinh đều phải hát trực tiếp trên truyền hình.

Tương tự như "Giọng hát Việt nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí" cũng ở tình trạng không mấy khả quan. Thí sinh xuất hiện trên sân khấu với những bộ đồ gợi cảm quá mức cần thiết, động tác uốn dẻo được các em thêm thắt vào bài nhảy nhiều khi sexy chẳng khác gì người lớn. Thời gian tập chung cho cuộc thi kéo dài cũng ít nhiều gây nên những trở ngại về việc học tập của các em. Tài năng và sự cống hiến của các em sau mỗi màn trình diễn hoàn toàn chinh phục khán giả, nhưng sự an toàn của chúng thì ai là người chịu trách nhiệm, nếu tai nạn xảy ra khi thực hiện những động tác khó ai sẽ bảo vệ và chịu trách nhiệm là vấn đề mà BTC chưa một lần nhắc đến, cho dù nhờ sức nóng của những vũ công nhí, chương trình kiếm được bộn tiền từ việc bán quảng cáo là điều ai cũng nhìn thấy từ những chương trình đã phát sóng ở mùa giải cũ.


Trang phục sexy không phù hợp với lứa tuổi của các bé trong BNHV.

"Gương mặt thân quen" phiên bản dành cho người lớn, với luật chơi là bắt chước gương mặt người khác đã mang lại thành công vang dội cho đơn vị tổ chức nhờ Hoài Lâm, con trai nuôi của danh hài Hoài Linh cũng đã được đơn vị sản xuất chương trình này tận dụng và chuyển sang đối tượng nhí. Nhưng câu hỏi đặt ra, nếu yêu cầu các em bắt chước người lớn cho thật giống, rồi tung hô hành vi bắt chước của chúng thành tài năng liệu có kệch cỡm và phi lý hay không, hình như cũng là câu trả lời mà ban tổ chức cũng như những người thực hiện chương trình bỏ ngỏ.

Khi tổ chức cuộc thi, người sản xuất chương trình tạo ra niềm tin cho thí sinh và người nhà của các em về một bệ phóng cũng như môi trường để các em có thể phát huy hết tài năng của mình. Những phần thưởng, những món quà dành cho người chiến thắng sẽ góp phần kích thích sự cố gắng của các em, nhưng mặt trái của chúng cũng là những mệt mỏi, tâm lý lo âu, tranh giành và đấu đá sẽ tác động trực tiếp lên chúng trong suốt quá trình tham gia cuộc thi. Khi mà tâm hồn, sự non nớt và khả năng tiếp nhận cũng như chắt lọc thông tin chưa vững vàng dễ khiến chúng bị tổn thương, thất vọng, thậm chí là mất niềm tin vì đã hi vọng quá nhiều vào những lời hứa hẹn từ người lớn.

Để tránh được điều này, hơn ai hết các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ vai trò và tính chất của những cuộc thi này. Hãy coi nó là những sân chơi để con trẻ thỏa sức sáng tạo, được giao lưu và học hỏi bạn bè, được tích lũy thêm những kiến thức về các loại hình nghệ thuật mà chúng yêu thích và có năng khiếu. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng cũng như tạo áp lực cho con cái khi coi đây là những cuộc thi mà chúng buộc phải giành chiến thắng. Tuyệt đối nói không với chiêu trò, không bắt tay cũng như "hợp tác" với nhà sản xuất để tạo ra những dư luận không đáng có chỉ với mục đích gây chú ý cho chương trình.

Thiết nghĩ, dù là các chương trình tìm kiếm tài năng nhí, hay chương trình mang thiên hướng giải trí thì cũng cần đặt mục tiêu giáo dục lên đầu. Đừng để tâm hồn của các em bị "sạn", đừng làm mất sự hồn nhiên của các em bởi những gì mà người lớn cố áp đặt lên và biến chúng trở thành phiên bản của họ. Nếu như những vấn đề này không được phụ huynh cũng như người sản xuất chương trình chú ý và nhìn nhận một cách tích cực, thì vô hình trung chúng ta đang đẩy con em mình vào cuộc chơi của người lớn, khi mà niềm vui của con trẻ thực chất chỉ là phương tiện để những kẻ tham lam lợi dụng và trục lợi nhằm làm đầy túi tiền của mình


0 nhận xét:

Đăng nhận xét