Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

QĐND - Đổi mới khâu tuyển dụng, bố trí nhân sự trong các trường đại học là một trong những giải pháp cải cách giáo dục căn bản, toàn diện, từ gốc, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu thế thời đại. Phải nhận thức đúng về nhân sự ở các trường đại học - Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.

Nhìn nhận thực trạng vấn đề giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, đa số các học giả, chuyên gia có chung đánh giá: Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học yếu cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng, tác phong làm việc. Nguyên nhân do hệ thống giáo dục đại học ở nước ta phức tạp và tồn tại nhiều yếu kém. Một trong những điểm mấu chốt phải đổi mới đó là khâu bố trí, tuyển dụng nhân sự ở các trường đại học. Giáo sư Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, khẳng định: Yếu tố chính làm nên chất lượng đại học phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ các nhà nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng thực tế hiện nay chúng ta đang làm ngược quy trình tuyển dụng. Chẳng hạn, việc tuyển dụng, bổ sung nhân sự được các trường đại học ở nước ta tạo nguồn tại chỗ bằng cách giữ lại những sinh viên giỏi nhất để bồi dưỡng, đào tạo trở thành cán bộ của trường. Trong khi đó, hầu hết các trường đại học trên thế giới đều không tuyển dụng sinh viên do chính họ đào tạo ra. Đơn giản là, cách làm này giúp cho sinh viên tự vượt qua cái bóng của thầy, có điều kiện để giỏi hơn thầy và có môi trường công tác mới lạ để sáng tạo, thử thách, trải nghiệm.


Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh luôn ưu tiên tuyển dụng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.Ảnh: T húy Hà.

Tuy nhiên, cũng có những trường sử dụng biện pháp riêng để thu hút đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu uy tín, chất lượng cao. Ông Nguyễn Xuân Vang, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, chia sẻ: "Tôi cho rằng, lãnh đạo trường đại học cần chủ động mời gọi, thiện chí đối đãi với nhân tài bằng tình cảm chân thành, trách nhiệm và sự tôn trọng cần thiết; đồng thời, phải minh bạch mức lương theo đúng giá trị mà họ xứng đáng được hưởng để họ tự nguyện cống hiến cho nhà trường". Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Muốn có một trường đại học đúng nghĩa, nhất thiết phải đặt vấn đề quản trị đại học, không xem nhẹ yếu tố con người có liên quan tới quá trình giáo dục đại học. Họ phải được nhìn nhận trong sự năng động, thích ứng và chuyển biến, sáng tạo phù hợp với môi trường. Điều này phụ thuộc vào vai trò điều hành và tư duy sáng tạo của hiệu trưởng.

Thực tế hiện nay, việc tuyển chọn cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đang tuân thủ theo quy định tuyển chọn viên chức, công chức nên chưa có các yếu tố đặc thù cho môi trường hàn lâm. Trong khi đó, tính chất công việc của các nhân sự hàn lâm lại rất khác so với công việc thông thường của viên chức nhà nước. Giáo sư Ngô Bảo Châu đề xuất: Cần có quy trình tuyển chọn thống nhất cho tất cả các trường đại học, tiến tới một thị trường tuyển dụng cán bộ nghiên cứu, giảng dạy thông suốt trong cả nước. Các cơ sở giáo dục đại học nên lấy thành tích xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy để đánh giá năng lực lãnh đạo của người đứng đầu trường đại học; lấy thu nhập của cán bộ khoa học, giảng dạy làm một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học; cần nhận rõ giáo sư là một vị trí công tác chủ chốt chứ không phải là một phẩm tước danh dự để rồi dẫn đến hư danh, lãng phí. Cho nên, lãnh đạo các trường đại học cần chuẩn bị kinh phí để xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy, thiết lập cơ chế, chính sách để tận dụng nhân lực thời vụ cao cấp đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm và khả năng định hướng tư duy khoa học của giảng viên. Theo Giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Hoa Kỳ), đặc thù quan trọng của môi trường đại học hiện đại là lấy khả năng nghiên cứu khoa học làm tiêu chí số 1.

Như vậy, đổi mới tuyển dụng nhân sự, nhận thức đúng về nhân sự trong các trường đại học có ý nghĩa quan trọng trong quy trình cải cách giáo dục đại học. Song, tuyển dụng phải ưu tiên chất lượng giảng dạy và khả năng nghiên cứu khoa học; tuyển dụng cần minh bạch hóa với một quy trình mở, thống nhất trong tất cả các trường đại học để chuẩn hóa, trước hết là đội ngũ người thầy. Giáo sư, TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: Mục tiêu của giáo dục đại học đã có sự thay đổi căn bản, chuyển từ cung cấp kiến thức là chính sang hướng dẫn, phát triển năng lực sáng tạo của sinh viên. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học chưa được xem là hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức của giảng viên nhanh chóng bị lạc hậu, sinh viên bị hẫng hụt trong tạo dựng nền tảng tư duy sáng tạo. Cho nên, đổi mới nhân sự ở các trường đại học sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo hiện nay.

HOÀNG THÀNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét