(Tin Nóng) Cuối tháng 8 này, một chiếc Boeing 747-400 của hãng Cathay Pacific (Hồng Kông) sẽ bay chuyến cuối cùng từ San Francisco về Hồng Kông. Không lâu sau, ngày 10.9, đến lượt hãng Air New Zealand khai thác chuyến bay cuối bằng Boeing 747-400 từ Auckland đi San Francisco rồi trở về hai ngày sau để chuyển sang yên nghỉ mãi mãi.
Gần đây, “Chuyến bay cuối của 747...” là câu chuyện bạn thường nghe được từ hầu hết các hãng hàng không vẫn sử dụng loại máy bay phản lực chở khách dễ nhận biết nhất trong lịch sử hàng không nhờ cái “lưng gù” và các càng hạ cánh gồm đến 18 bánh xe. Việc tăng chi phí nhiên liệu đang khiến các hãng hàng không phải cho đội máy bay lớn, 4 động cơ phản lực của mình ‘nằm ụ’, chọn những máy bay chở khách hiện đại và hiệu quả hơn - dù chỉ gắn 2 động cơ - để thay thế. Mỗi ngày, hàng trăm chiếc 747 vẫn còn ngang dọc bầu trời, nhưng số lượng của chúng đang giảm dần và những chiếc hai động cơ như B777-300ER, B787 Dreamliner của Boeing, cũng như chàng Airbus A380 khổng lồ đang giành lấy cơ hội. Từng là chủ lực một thời, nay Boeing 747-400 bị vứt chỏng chơ ngoài sa mạc Mojave ở California, có thể xem như nơi yên nghỉ ngàn thu cho loại máy bay từng mệnh danh là “Nữ hoàng của bầu trời” (Queen of the Skies). Đây là kiểu máy bay được sản xuất nhiều nhất trong dòng máy bay thân rộng 747, phục vụ đầu tiên cho hãng Northwest Airlines (Mỹ) vào năm 1989, là phiên bản thứ 4 trong dòng sản phẩm máy bay khổng lồ nổi tiếng, bán rất chạy của Boeing, với buồng điều khiển được cải tiến, phần thân có kết cấu nhẹ hơn và nhất là hàng loạt cải thiện đáng kể. Phiên bản mới nhất có thể bay hơn 12.800 km, cho phép các hãng hàng không bay thẳng từ Bắc Mỹ đến Đông Nam Á hoặc Úc mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.
Ngoài ra, một kiểu mở rộng được Qantas độc quyền sử dụng có thêm thùng nhiên liệu trong khoang chứa hàng, bay được gần 14.500 km, có thể vượt qua lộ trình dài 13.700 km từ Sydney (Úc) đến tận Dallas-Texas (Mỹ). Tuy nhiên, kể từ tháng 9.2014, Qantas sẽ đưa Airbus A380 thay thế chiếc 747-400ER trên tuyến bay này. Trong ba thập kỷ qua, hơn 500 chiếc 747-400 đã được xuất xưởng, các hãng có đơn đặt hàng nhiều nhất là British Airways, Lufthansa và United (UA). Hãng United hiện vẫn còn khai thác 747 ở một trong những tuyến bay dài nhất, mỗi ngày vận chuyển gần 400 hành khách, 11.260 km từ San Francisco đến Hồng Kông. Trên nhiều tuyến bay xa khác của UA, chiếc B777-200 với nhiều cải thiện đã thay các anh chị già lão của mình, cho hành khách những trải nghiệm tốt hơn với nhiều tiện nghi như ghế ngồi thoải mái hơn, WiFi và phương tiện giải trí trên chuyến bay. Hậu duệ 747-8Tuy nhiên việc ‘nghỉ hưu’ của 747-400 không đánh dấu sự kết thúc cho toàn bộ dòng máy bay. Trong một nỗ lực để lấy lại một số thị trường từ Airbus, Boeing cho ra một phiên bản mở rộng là 747-8 và Lufthansa đã bắt đầu khai thác loại máy bay có công suất cao này trên các tuyến bay giữa Đức và Mỹ. Trong khi các hãng như British Airways, Delta và Qantas đang loại bỏ dần 747, các hãng bay khác đã chuyển máy bay của họ sang phục vụ các tuyến trong khu vực. Chẳng hạn, những chiếc 747 của hàng không Thái đang bay khắp châu Á, thậm chí đưa khách từ Bangkok đến Chiang Mai trong 1 giờ bay; trong khi Cathay Pacific tiếp tục sử dụng giữa Hồng Kông và các điểm đến trong khu vực như Ấn Độ, Bali.
Khi hành khách không muốn ngồi suốt 16 tiếng trên chiếc 747 không được trang bị ổ cắm điện và tivi tại chỗ ngồi như máy bay của UA, họ chọn những chiếc 4 động cơ bay chặng ngắn, nhưng cũng không mấy thoải mái. Trong những năm tới, ngay cả các tuyến bay ngắn hơn cũng sẽ chuyển sang sử dụng loại máy bay hiệu quả hơn, nhưng trong thời điểm hiện tại, bạn vẫn có thể trải nghiệm trên những máy bay ‘đời đầu’ trên một số chuyến bay. Trong thế giới hàng không thương mại, không gì vui hơn được ngồi ở ghế 1A gần mũi máy bay, nơi có thể nhìn cận cảnh phía trước mỗi khi máy bay cất và hạ cánh, nhưng nếu bạn đủ may mắn được bay ở hạng thương gia, việc leo cầu thang lên tầng hai dành riêng cũng là một trải nghiệm rất riêng. Với những người mê ngành hàng không, chuyện ‘về hưu’ của 747 là một sự kiện buồn, nhưng nó cũng biểu hiện cho sự tiến bộ đáng kể của ngành hàng không. Hiệu quả nhiên liệu tốt hơn có nghĩa là lượng khí thải giảm, những chiếc 777-300ER, 787 Dreamliner, Airbus A380 và A350XWB sắp tới đây sẽ dành cho khách bay và phi hành đoàn những tiện nghi chưa từng có.
P. Nguyễn Dũng |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét