Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

[Kinh tế] -Mỏi mòn chờ bình đẳng

Các doanh nhân và đại diện VACD đều mong Luật DN mau chóng được Quốc hội bấm nút thông qua để mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của DN. Tuy nhiên, điều mà họ vẫn trăn trở đó là hai chữ “bình đẳng” giữa DNNN và DN ngoài Nhà nước chưa được thể hiện bằng các điều khoản trong Luật.

Tại hội nghị mới đây giữa các DN ngoài khu vực Nhà nước (KVNN) của quận Thanh Xuân và Hội Các nhà quản trị Việt Nam (VACD) về nội dung sửa đổi Luật DN và dự báo tác động từ Luật này, các doanh nhân và đại diện VACD đều mong Luật DN mau chóng được Quốc hội bấm nút thông qua để mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của DN. Tuy nhiên, điều mà họ vẫn trăn trở đó là hai chữ “bình đẳng” giữa DNNN và DN ngoài Nhà nước chưa được thể hiện bằng các điều khoản trong Luật.



Các DN vẫn chờ được bình đẳng (Ảnh minh họa)

“Nhà nước nói bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng Dự luật mới chưa thể hiện điều đó. Các DN nhỏ, DN ngoài KVNN bí nhất vẫn là vốn, nhưng tiếp cận không dễ. Có giải tỏa được vấn đề này thì DN mới phát triển bùng nổ được”, Vũ Huy Thủ, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển Đại Dương Xanh nhìn nhận.

Từng là một cán bộ của Bộ Công nghiệp cũ và cũng đã từng làm 15 năm ở DNNN, ông Đỗ Văn Tờ, Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển nông thôn Thanh Xuân trăn trở, DNNN vay vốn khá dễ dàng, kinh doanh có thua lỗ cũng chẳng mất gì, cùng lắm là mất chức. Trong khi đó, DN ngoài KVNN tự làm, tự chịu. “Tôi vừa mất 20 tỷ đồng chưa lấy được của Nhà nước thì lấy tiền của nhà ra trả”, ông cho biết.

Cũng ông Tờ cho biết, mặc dù Luật Đấu thầu có nhiều điểm mới tạo cơ hội cho các DN trong nước, nhưng giữa DNNN và DN ngoài KVNN vẫn có khoảng cách và sự phân biệt. Vậy DN ngoài KVNN có thể dựa vào Hiệp hội hay không để đảm bảo công bằng nếu có đủ vốn và năng lực có thể trúng thầu như DNNN? Chủ tịch VACD, TS. Hàn Mạnh Tiến chia sẻ nỗi băn khoăn của ông Tờ, dù Luật đã được sửa đổi nhiều lần, nhưng khi đi vào thực tế thì “luật đi đường luật, thực thi đi đường thực thi”. Luật sư Vũ Xuân Tiền bình luận: “Bình đẳng của DN nói thì dễ, nhưng để đạt được thì khó vô cùng”.

Quay lại câu chuyện DN khó tìm các nguồn vốn hỗ trợ, kể cả các dự án, đề tài về khoa học công nghệ được cơ quan chức năng chấp thuận triển khai, ông Tiến và ông Tiền đều cho rằng, có rất nhiều nguồn vốn ưu đãi mà các DN ngoài KVNN vẫn có thể tiếp cận được, như Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, hay như tới đây là việc thành lập Quỹ Hỗ trợ DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nguồn vốn ban đầu là 500 tỷ đồng. Sau này Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ vào đó khoảng 100 triệu USD.
Tổng giám đốc Vũ Huy Thủ lên tiếng, đúng là có quỹ hỗ trợ của các bộ, ngành và Chính phủ, nhưng việc tiếp cận không đơn giản. Ví như cơ quan ông có một dự án được bộ chủ quản phê duyệt đem lại lợi ích cho đất nước và người dân, nhưng cũng không thể tự mình xin được nguồn vốn hỗ trợ này mà phải “lách”, hay “đi đường vòng” bằng cách đứng dưới bóng DNNN theo kiểu liên doanh để được vay vốn. Và đương nhiên là để có sự liên doanh ấy, DN phải chi lại cho đối tác một phần cho phí.

Ông Tiền chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý định tham khảo và xây dựng một luật cho các DNNVV. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 4-5 năm nữa và sự bình đẳng của DN sẽ còn phải xa hơn. Vì như Quỹ Hỗ trợ DNNVV, một trong những công cụ chính sách hữu hiệu giúp các DN này bình đẳng hơn trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, được thai nghén từ năm 2009 nhưng 5 năm sau mới có “tin vui” là bộ máy lãnh đạo của Quỹ được hình thành.

Trong khi đó, với nhiều đề án tái cơ cấu DNNN được phê duyệt, không ít trường hợp chỉ là sự chuyển đổi về tên gọi sang công ty TNHH một thành viên với Nhà nước vẫn là chủ sở hữu duy nhất. Cũng không ít DN khi chuyển đổi xong thì vốn Nhà nước vẫn còn chi phối và thời điểm thoái vốn mạnh mẽ tại các DN này có lẽ vẫn còn xa. “Làm thế nào để tư duy Nhà nước không phải là người bơi chèo mà là cầm lái thì khi đó mới có môi trường cạnh tranh bình đẳng”, luật sư Vũ Xuân Tiền nói.

Nhất Thanh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét