Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

1. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngày Thương binh liệt sỹ 27-7 năm nay lại khớp với ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch năm Giáp Ngọ, ngày đầu tiên trong tháng Vu lan báo hiếu đầy ý nghĩa của đạo Phật.



Tri ân trong ngày tháng 7
Chợt nhớ lại lời chia sẻ của Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đàn lễ cầu siêu chân linh anh hùng liệt sỹ tại đảo Cát Hải vài năm trước. "Tôi nghĩ, Bác Hồ, một người am tường văn hóa Việt Nam, hẳn có dụng ý khi chọn 27-7 là ngày Thương binh liệt sỹ Việt Nam. Đây là khoảng thời gian người dân Việt Nam chuẩn bị cho cái lễ lớn nhất trong năm là rằm tháng 7 âm lịch, và cũng là tháng có ý nghĩa nhất của những người theo đạo Phật, tháng tri ân báo ân. Giờ đây, việc tổ chức các đàn lễ cầu siêu chân linh các anh hùng liệt sỹ đã trở thành phật sự cố định của nhà chùa vào dịp 27-7 hàng năm. Không chỉ có nghi lễ, chúng tôi còn tổ chức thăm hỏi, trao quà cho gia đình các thương bệnh binh, giảng pháp cho bà con phật tử về việc đền ơn và báo ơn thế nào trong xã hội hiện đại. Việc đạo và chuyện đời đã hòa thành một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong dịp 27-7 hàng năm”.
Và sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa âm lịch và dương lịch năm nay đã tạo ra hàng loạt phật sự đầy ý nghĩa trong ngày 27-7. Bác hàng xóm cạnh nhà tôi đã vào chùa công quả cả tối 30-6 âm lịch để chuẩn bị cho lễ cầu siêu tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một đồng nghiệp thì lo in đĩa nhạc Hồn tử sỹ cách đây vài tuần, gửi về một ngôi chùa quê, hẻo lánh, cách xa Hà Nội hàng trăm cây số, giúp thầy làm lễ tại nghĩa trang Liệt sỹ của địa phương thêm trang nghiêm tố hảo. Một quý thầy được hàng triệu Phật tử trong ngoài nước kính ngưỡng, đã phát nguyện giảng pháp trên khắp cả nước từ Nam ra Bắc về đạo hiếu, về ân nghĩa trong đời người trong dịp đầy ý nghĩa này…
2. Trước đó, Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức một Đàn lễ quốc gia cầu siêu cho chân linh các anh hùng liệt sỹ tại đất lửa Quảng Trị vào dịp 27-7 năm nay. Đàn lễ quốc gia cầu siêu này thật đầy ý nghĩa khi tổ chức đúng vào dịp ngành Tài chính và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khánh thành cụm công trình nâng cấp nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 do cán bộ công chức ngành tài chính trên cả nước phát tâm công đức đóng góp toàn bộ kinh phí xây dựng hơn 80 tỷ đồng.
Tấm lòng tri ân của 8 vạn cán bộ, công chức ngành tài chính đã gây dựng cho đất lửa Quảng Trị một danh xưng mới là nơi có nghĩa trang liệt sỹ đẹp nhất Việt Nam. Không còn cảm giác gờn gợn giữa âm thế và dương gian, cũng không còn cách biệt giữa người còn sống và người đã mất tại nơi này. Thế hệ hậu bối ngày nay có thể thảnh thơi dạo trong không gian xanh mát của cụm công trình kiến trúc hiện đại bề thế, thắp nén nhang lòng tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú đã ngã xuống để đất mẹ vẹn toàn một dải và suy ngẫm.
Một phật tử đã chia sẻ: "Trở lại mảnh đất máu lửa một thời của dân tộc, nơi an nghỉ của hàng chục ngàn liệt sỹ, dấu tích chiến tranh đã nằm lại trong các kỷ vật nơi nhà lưu niệm. Đất lửa bình yên đến lạ kỳ ngay cả ở những nơi đã từng đầy máu và nước mắt một thời. Một tâm bình an, một câu Phật hiệu, hòa cùng lời nguyện cầu của các cao tăng trong đàn lễ cầu siêu chân linh anh hùng liệt sỹ và cầu cho quốc thái dân an, thành kính mong cầu linh hồn các anh được siêu sinh về miền cực lạc sau những trầm luân tao loạn của kiếp nạn chiến tranh. Hòa bình, an lạc hôm nay được đánh đổi bằng máu, nước mắt, khổ đau nối dài từ quá khứ. Tháng 7 đi và ngẫm về quá khứ đau thương, để tự răn mình trân trọng hơn các giá trị hiện tại, vun trồng thêm căn lành để nguyện cầu cho hòa bình an lạc khắp muôn nơi”
3. Không chỉ cầu siêu cho chân linh các anh hùng liệt sỹ thời chiến tranh chống Mỹ chống Pháp, các đàn cầu siêu còn tưởng nhớ tới liệt tổ, liệt tông, anh linh các anh hùng tử sỹ xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các đàn lễ cầu siêu quốc gia tại những địa danh đi vào sử sách dân tộc như Bạnh Đằng giang, Sông Cầu, Gò Đống Đa, biên giới Vị Xuyên, Sơn La, Điện Biên… đã trở thành Phật sự quan trọng của Phật giáo Việt Nam vào dịp 27-7 hàng năm.
Tháng 7 dương lịch là dịp tri ân báo ân anh hùng liệt sỹ, thương binh hy sinh vì nhân dân, tổ quốc thì tháng 7 âm lịch trong tâm thức người Việt lại là khoảng thời gian tri ân, báo ân ý nghĩa nhất trong năm. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đạo Phật luôn đề cao Tứ trọng ân. Thứ nhất là ơn cha mẹ sinh thành nuôi nấng. Thứ hai là ơn giáo dưỡng nhân cách của Đạo Phật, của thầy cô giáo. Thứ ba là ơn quốc gia, dân tộc tạo môi trường, hành lang tốt cho mỗi người công dân phát triển. Thứ tư là ơn cộng đồng xã hội, môi trường xung quanh cho cuộc sống an lành. Tháng 7 tri ân báo ân không chỉ dừng lại ở các nghi lễ tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất, mà còn là dịp để mỗi con người nhìn lại vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, xã hội, quốc gia, và cuộc sống. Hiếu thảo với cha mẹ, kính lễ với thầy cô, hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, và có trách nhiệm xây dựng cuộc sống an lành, hòa bình,… mới thật sự là biết ơn, báo ơn sâu sắc nhất.
Kim Sen

0 nhận xét:

Đăng nhận xét